Error message

User warning: The following module is missing from the file system: advanced_text_formatter. For information about how to fix this, see the documentation page. in _drupal_trigger_error_with_delayed_logging() (line 1156 of /home/u942238000/domains/xosobacgiang.com/public_html/includes/bootstrap.inc).

Bắc Giang đẩy mạnh phát triển du lịch

Bắc Giang là tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, tươi đẹp, có bề dày truyền thống lịch sử, nhiều di sản văn hóa quý hiếm. Với các yếu tố Thiên nhiên - Văn hóa - Tâm linh có thể mở ra cho tỉnh phát triển nhiều loại hình du lịch. Xây dựng Bắc Giang trở thành tỉnh có thương hiệu du lịch, là điểm đến của du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái hấp dẫn là mục tiêu mà tỉnh đang hướng đến.
 

Đến năm 2020, đón trên 2,7 triệu lượt khách

Với tiềm năng, thế mạnh hiện có và sự nỗ lực quyết tâm, Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2020, đón trên 2,7 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế trên 20.000 lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.800 tỷ đồng; có 5.800 buồng lưu trú và tạo việc làm cho khoảng 8.700 lao động.

Du lịch văn hóa - tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch mà tỉnh Bắc Giang hướng tới.
Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Bắc Giang hướng tới phát triển thị trường khách du lịch, sản phẩm du lịch. Trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm “Du lịch Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông”; du lịch đường sông, kết nối với Bắc Ninh, Hải Dương. Du lịch cuối tuần với các khu nghỉ dưỡng sinh thái, làng sinh thái trên núi... Du lịch thể thao cao cấp (golf, dù lượn, thể thao khám phá...). Duy trì và mở rộng phát triển sản phẩm: Du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch lịch sử - văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, lễ hội - sự kiện; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch làng nghề...

Phát trikhông gian du lịch theo 5 khu vực

Xác định không gian du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, do đó, không gian phát triển du lịch đã được tỉnh Bắc Giang quy hoạch với 5 khu vực chủ yếu.

Thứ nhất là không gian du lịch Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, Lục Nam - khu vực phía Đông Nam tỉnh) là không gian du lịch trọng điểm của tỉnh trên cơ sở khai thác thương hiệu Yên Tử đã có.

Thứ hai, không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế, huyện Tân Yên - khu vực phía Tây Bắc tỉnh), khai thác giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống lịch sử; các nét văn hóa, tín ngưỡng gắn cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.

Thứ ba, không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí (TP Bắc Giang, huyện Yên Dũng, Việt Yên - khu vực trung tâm và phía Nam tỉnh), là trung tâm du lịch của tỉnh, hướng chính là phát triển dịch vụ, vui chơi giải trí, đầu mối đón khách du lịch theo đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Không gian sinh thái nông nghiệp gắn với các vườn cây ăn quả. Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Thứ tư, không gian du lịch sinh thái nông nghiệp (huyện Lục Ngạn, Lục Nam - khu vực phía Đông Bắc tỉnh), không gian sinh thái nông nghiệp gắn với các vườn cây ăn quả, trong đó lấy thương hiệu vải thiều Lục Ngạn làm điểm nhấn.

Thứ năm, không gian văn hóa Quan họ (huyện Việt Yên, Hiệp Hòa - khu vực Tây Nam tỉnh), phát triển trọng tâm 2 hướng chính là du lịch văn hóa gắn với bảo tồn dân ca Quan họ và du lịch đường thủy theo sông Cầu.

Tuy nhiên, giai đoạn đến năm 2020, tỉnh tập trung phát triển 3 không gian. Đó là không gian du lịch Tây Yên Tử; Không gian du lịch gắn với Khởi nghĩa Yên Thế; Không gian dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí.

Ưu tiên đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm

Trong phát triển du lịch, tỉnh Bắc Giang ưu tiên đầu tư các khu, điểm du lịch trọng điểm như: Tây Yên Tử, Đồng Cao (huyện Sơn Động); di tích khởi nghĩa Yên Thế (huyện Yên Thế); Suối Mỡ (huyện Lục Nam); chùa Vĩnh Nghiêm, núi Nham Biền (huyện Yên Dũng); chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà (huyện Việt Yên); hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân (huyện Tân Yên).

Điểm du lịch Đồng Cao (huyện Sơn Động) là một trong những điểm du lịch được ưu tiên đầu tư .
Ảnh: BGP/Hải Huyền.

Đồng thời, tỉnh cũng tập trung phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển các khách sạn từ 3-5 sao tại TP Bắc Giang và huyện Việt Yên, Yên Dũng; khu nghỉ dưỡng sinh thái tại hồ Khuôn Thần, Khu du lịch Tây Yên Tử, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, nghỉ dưỡng ven sông Thương, Khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà, núi Nham Biền...; nhà nghỉ cộng đồng Homestay tại các bản du lịch cộng đồng.

Phát triển cơ sở vui chơi giải trí như: sân golf; khu cắm trại, dã ngoại; vui chơi giải trí trên mặt nước; khu vui chơi giải trí tập trung, về đêm tại TP Bắc Giang. Phát triển các trung tâm thương mại, nhà hàng ăn uống, khu ẩm thực tại TP Bắc Giang, trung tâm các huyện và các khu, điểm du lịch. Xây dựng nhà biểu diễn, không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại các khu, điểm du lịch: Xương Giang, Tây Yên Tử, Suối Mỡ, làng cổ Thổ Hà, Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà...

Bên cạnh đó, phát triển các tuyến du lịch, ngoài tiếp tục khai thác các tuyến du lịch liên tỉnh theo đường bộ kết nối Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên; tuyến du lịch nội tỉnh kết nối từ TP Bắc Giang đi các huyện, tỉnh sẽ mở rộng khai thác tuyến du lịch mới như: Tuyến du lịch chuyên đề (tâm linh, lịch sử, sinh thái, làng nghề); tuyến du lịch đường thủy trên sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam. Đồng thời phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

Với lợi thế về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, điều kiện địa lý... hiện có cùng với quy hoạch đồng bộ, lộ trình thực hiện cụ thể, trong thời gian không xa, du lịch Bắc Giang sẽ phát triển xứng tầm với những tiềm năng hiện có, đáp ứng mong mỏi của người Bắc Giang và du khách thập phương./.

Hải Huyền

Cổng thông tin điện tử Bắc Giang

Ngày đăng: 
Friday, January 19, 2018